Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 6 sản xuất thép các loại đạt 2,5 triệu tấn, giảm 12% về lượng so với tháng 5 nhưng tăng 31% so với cùng kỳ 2020.
Bán hàng thép các loại đạt gần 2,1 triệu tấn, giảm 15% so với tháng 5 nhưng tăng 19% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu thép đạt gần 622 nghìn tấn, không biến động nhiều so với tháng trước nhưng tăng gấp đôi so với tháng 6/2020.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản xuất thép các loại đạt gần 16 triệu tấn, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020.
Bán hàng thép các loại đạt hơn 14 triệu tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu thép đạt hơn 3,4 triệu tấn, tăng gần 85% so với cùng kỳ năm 2020.
Thống kê của VSA, trong tháng 5, xuất khẩu thép trong đạt gần 980 nghìn tấn tương đương 832 triệu USD giảm 4% về lượng nhưng tăng 8% về giá trị so với tháng 4. Tuy nhiên, xuất khẩu thép lại tăng 29% về lượng, tăng gần gấp 2,5 lần so với tháng 5/2020.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thép đạt gần 4,9 triệu tấn tương đương 3,6 tỷ USD đến hơn 20 quốc gia và khu vực trên thế giới. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chính là ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc…
Trong tháng 5, xuất khẩu thép tăng gần gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020 (Nguồn: VSA)
Xuất khẩu thép sang ASEAN, thị trường lớn nhất của Việt Nam đạt 1,8 triệu tấn, tương đương gần 1,3 tỷ USD, tăng 8% về lượng và tăng 43% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Sau ASEAN, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ hai với gần 1,1 triệu tấn, tương đương 603 triệu USD, tăng 89% về lượng và tăng 158,5% về giá trị so với cùng kỳ 2020, chiếm gần 17% tổng sản lượng xuất khẩu thép trong 5 tháng đầu năm của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, trong tháng 5 nhập khẩu thép về Việt Nam đạt 951 nghìn tấn tương đương 900 triệu USD, giảm 29% về lượng và giảm 16,5% giá trị so với tháng 4 và giảm 9% về lượng, tăng 44% về giá trị so với tháng 5/2020.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhập khẩu thép đạt 6 triệu tấn với giá trị 4,7 tỷ USD, tăng 8,5% về lượng và 38% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Nhập khẩu thép từ Trung Quốc chiếm 50% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước (Nguồn: VSA)
Trong 5 tháng năm, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc đạt hơn 3,1 triệu tấn, tương đương giá trị 2,3 tỷ USD, chiếm 52% tổng lượng thép nhập khẩu và 50% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Sau Trung Quốc, các thị trường cung cấp thép chính cho Việt Nam bao gồm Hàn Quốc chiếm 13%, Nhật Bản chiếm 13%, Đài Loan 8,5%...
Trước những biến động của thị trường thép trong nước, Bộ Tài chính vừa gửi văn bản kiến nghị Chính phủ giảm 5 - 10% thuế nhập khẩu một số sản phẩm thép nhằm hạ giá mặt bằng thép xây dựng.
Cơ quan này cũng dự báo mức ảnh hưởng không lớn do nhu cầu nhập khẩu thép hiện nay không cao. Ngoài ra, những loại thép này trong nước cũng đã sản xuất được và cơ bản đáp ứng được nhu cầu.
Sau nhiều tháng tăng liên tục kể từ giữa năm 2020, giá thép trong nước, đặc biệt là thép xây dựng đã có sự điều chỉnh giảm theo xu hướng của thị trường thế giới và dự báo sẽ tiếp tục đi xuống trong thời gian tới.
SSI nhận định nếu đề xuất điều chỉnh biểu thuế xuất/nhập khẩu thép được thông qua, kết quả kinh doanh của các công ty thép không bị ảnh hưởng nhiều. Doanh thu của các doanh nghiệp thép sẽ vẫn tăng trưởng tích cực nhờ việc đẩy mạnh đầu tư công và xuất khẩu.
VSA cho biết lũy kế 6 tháng đầu năm bán hàng thép các loại đạt hơn 14 triệu tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu thép đạt hơn 3,4 triệu tấn, tăng gần 85% so với cùng kỳ năm 2020.